(+84) 908 541 896

NGÀNH DỆT MAY: “HƯỚNG ĐẦU TƯ VÀO SẢN XUẤT NGUYÊN PHỤ LIỆU”


Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm, ngành dệt may vẫn giữ vững “phong độ” xuất khẩu khi đạt13,154 tỷ USD kim ngạch, tăng 18% so với cùng kỳ. Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của ngành với tỷ trọng lần lượt là 49%, 15%, 12% và 9%.

      Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, việc tìm kiếm và nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành may đang gặp rất nhiều khó khăn do có sự tranh mua nguyên liệu từ các nước chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu. Hơn nữa, các nhà cung cấp cũng lợi dụng việc khan hiếm nguồn nguyên phụ liệu để cố tình trì hoãn việc giao hàng nhằm đẩy giá tăng lên từ 10-15%. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trước đó của các DN trong nước.


      Theo ông Hoàng Vệ Dũng, ngành dệt may hiện đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Ngành mới chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu bông và 1/8 nhu cầu vải, sản xuất được 140.000 tấn sợi mỗi năm nhưng chưa phải là sợi chất lượng cao. Mặc dù rất cố gắng nhưng năm 2013 ngành dệt may dự kiến chỉ nội địa hóa được khoảng 48% nguồn nguyên phụ liệu, riêng Vinatex thì chủ động được khoảng 54%.

      Đây thực sự là khó khăn lớn của ngành dệt may, nhất là khi thời điểm Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết đã gần kề (dự kiến vào cuối năm 2014). Bởi, khi vào TPP để được hưởng ưu đãi về thuế các DN phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ về sợi, vải. Như vậy, rõ ràng các DN ngành dệt may trong nước không thể thuần túy sản xuất gia công mãi mà phải sản xuất cả nguyên phụ liệu.

      Theo đó, Vinatex đã hướng các DN thành viên, kêu gọi các DN trong ngành, bao gồm cả DN khối FDI tập trung đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã triển khai 46 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư 6.144 tỷ đồng, phần lớn là các dự án sản xuất nguyên phụ liệu. Trong số đó đã có 3 dự án sợi được đưa vào hoạt động, gồm: Dự án Nhà máy Sợi Vinatex – Hồng Lĩnh, có quy mô 30.000 sợi cọc; dự án Sợi Phú Bài 2, có quy mô 15.000 sợi cọc và dự án Nhà máy Sợi Đồng Văn. Tổng sản lượng sợi tăng thêm của 3 nhà máy này là 1.270 tấn sợi Ne30. Tập đoàn cũng đã đưa dự án Nhà máy dệt Yên Mỹ với sản lượng tăng thêm 180.000m vải vào hoạt động. Tập đoàn Texhong (Hong Kong) đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy sợi tại Quảng Ninh với 3 nhà xưởng và một số công trình phụ trợ phục vụ sản xuất sợi...Những sự đầu tư này sẽ tạo ra giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho ngành dệt may, giảm sự lệ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, ông Hoàng Vệ Dũng cho biết thêm.

      Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Lê Dương Quang cũng lưu ý, ngành dệt may kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển nguồn nguyên phụ liệu để đón nhận TPP là cần thiết. Tuy nhiên, cũng chỉ nên dừng lại ở mức độ hợp lý tránh tình trạng DN FDI thao túng thị trường nguyên phụ liệu trong nước.

      Bên cạnh đó, các DN ngành dệt may cũng cần tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng thêm các thị trường tiềm năng. Chủ động nguồn lực, đầu tư thiết bị công nghệ cho sản xuất nguyên phụ liệu; khép kín quy trình sản xuất từ sợi-dệt-nhuộm-hoàn tất-may; chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm)…để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của ngành. Củng cố hệ thống phân phối sản phẩm nhằm giữ vững thị phần ngay tại thị trường nội địa…

Nguồn:sggartex

Thông tin thị trường